Ngày 12 tháng 07 năm 2021
Dù Việt Nam đối phó với đại dịch tốt hơn nhiều nước khác nhờ cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ, tuy nhiên với tình hình lây nhiễm gia tăng gần đây cũng sẽ tiếp tục tạo nên thách thức đối với doanh nghiệp và cộng đồng. TS Abel Alonso đã chỉ ra một số hướng đi để doanh nghiệp MSME có thể tồn tại và phát triển trong tình hình hiện nay.
TS Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT nhận định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp Việt. Nhóm doanh nghiệp này đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cần tập trung vào các nỗ lực hồi phục.
TS Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT. Ảnh: NTCC
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp MSME, phụ thuộc nhưng cũng tác động ngược lại đến các thành viên khác trong chuỗi cung ứng. Do đó, khi doanh nghiệp MSME bị thiệt hại cũng có thể khiến các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng theo.
TS Abel Alonso và đồng nghiệp là TS Vũ Thị Kim Oanh đã thực hiện nghiên cứu và chỉ ra rằng doanh nghiệp cần năng động hơn trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đồng thời giải quyết vấn đề bằng những gì có sẵn trong tay.
Để đạt được điều đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số hướng đi mà doanh nghiệp có thể cân nhắc.
1. Đa dạng hóa
Qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy nhiều công ty trong ngành khách sạn, du lịch hoặc rượu vang đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để cứu lấy doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn, dịch vụ giao hàng và phương thức bán hàng trực tuyến là những cách phổ biến để họ tăng doanh thu và duy trì dòng tiền cần thiết. Một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng triển khai những sáng kiến như tổ chức tour du lịch cà phê và lớp học pha cà phê trực tuyến.
Học cách sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu thực tế với nhiều công ty trong tương lai. Nguyên nhân thứ nhất là do sự phổ biến và mức độ đón nhận công nghệ điện thoại thông minh trong cộng đồng người tiêu dùng. Thứ hai, do các quy định giãn cách và hạn chế khác mà cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại hoặc tương lai có thể đem đến.
Khi được hỏi về cách đa dạng hóa, ít nhất 1/4 số doanh nghiệp được khảo sát đã cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh thông qua các sáng kiến được mô tả ở trên, trong khi 1/4 khác cố gắng duy trì mô hình hiện tại nếu điều này cho thấy khả năng thích ứng tốt (dựa vào các nhóm khách hàng truyền thống và tăng sự hiện diện trực tuyến) .
Điểm mấu chốt là doanh nghiệp sẽ cần là tăng gắn kết với khách hàng. Nỗ lực này có thể cho phép họ thu thập thông tin quan trọng liên quan đến các nhu cầu mới về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khám phá các cơ hội kinh doanh mới.
2. Nâng cao kỹ năng
Bất chấp thực trạng vô cùng khó khăn, không ít doanh nghiệp đã tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục thu thập thông tin cũng như nâng cao kiến thức và sự nhạy bén trong kinh doanh.
Ví dụ, học các công cụ trực tuyến như ứng dụng giao hàng, phần mềm bán hàng hay phát triển trang web có thể giúp các công ty mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Doanh nghiệp cũng có thể tăng sự hiện diện trực tuyến thông qua tương tác trên mạng xã hội của nhân viên.
“Tôi tin rằng đây là lĩnh vực mà các tổ chức giáo dục và Chính phủ có thể tham gia mạnh mẽ hơn, chẳng hạn thông qua việc cung cấp và mở ra sẵn các hội thảo nâng cao kỹ năng như nâng cao kỹ năng tiếng Anh hoặc phần mềm sử dụng bảng tính” - TS Abel Alonso bày tỏ.
3. Các biện pháp đối phó
Khi thiếu nguồn lực tài chính và các nguồn lực quan trọng khác, nhiều doanh nghiệp MSME sẽ phải áp dụng phương pháp tiếp cận theo kiểu “giàn giáo xây dựng” để giải quyết vấn đề. Tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng, doanh nghiệp nên tập trung vào việc tồn tại qua ngày và dần dần xây dựng sức mạnh tự thân.
Ví dụ, nhiều doanh nghiệp trong khảo sát dựa vào tiền tiết kiệm của chính họ để giải quyết thách thức trước mắt liên quan đến dòng tiền. Một số doanh nghiệp khác thì xem xét triển khai đào tạo nội bộ bằng cách dùng chính nguồn nhân lực sẵn có trong tổ chức – cụ thể là dùng những người đã được đào tạo để làm người hướng dẫn hay huấn luyện.
4. Hỗ trợ bổ sung của Chính phủ
Dù Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đến một mức nào đó về mặt tài chính hay các mặt khác, chúng ta không thể phủ nhận rằng các chính sách từ phía Chính phủ là điều hết sức cần thiết để tránh “xuất huyết” tài chính do COVID-19 gây ra. Những chính sách như giảm thuế hoặc trợ cấp quy mô nhỏ có thể rất hữu ích, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ nhất trong nền kinh tế.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng cần quan tâm tới sức khỏe tinh thần của chủ doanh nghiệp, nhân viên và thế hệ người lao động tương lai. Nhiều người đang gặp khó khăn về mặt tinh thần và tâm lý do mất thu nhập hoặc không thể tìm được việc làm.
nGUỒN : HUYÊN NGUYỄN (BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG)